SHEIN và bài toán tối ưu cho GenAI: Khi người dùng tìm kiếm SHEIN rất nhiều nhưng chatbot lại hiếm khi gợi ý về hãng thời trang giá rẻ này.
Làn sóng AI tạo sinh (GenAI) đang thay đổi cách chúng ta tìm kiếm và mua sắm trực tuyến. Xu hướng này hứa hẹn sẽ còn bùng nổ hơn nữa khi OpenAI công bố công cụ tìm kiếm SearchGPT, dự kiến sẽ sớm được tích hợp vào ChatGPT.
Người tiêu dùng đang ngày càng ưa chuộng chatbot để tìm hiểu về các thương hiệu và sản phẩm mà họ dự định sử dụng, điều này đã được chứng minh qua phân tích của Similarweb về các lựa chọn thời trang giá rẻ. Tuy nhiên, dù các công cụ tìm kiếm truyền thống và các công cụ tìm kiếm của AI đều là nơi cung cấp thông tin cho người dùng, nhưng cách thức hoạt động của chúng lại hoàn toàn khác biệt.
Điều đáng chú ý là có một sự trái ngược lớn khi nhận thức của người tiêu dùng về các thương hiệu thời trang (như SHEIN, vốn đang được chú ý vì kế hoạch IPO sắp tới) tương đối cao, nhưng thương hiệu này lại hiếm khi được gợi ý bởi công cụ chat AI khi người dùng hỏi về các lựa chọn thời trang giá rẻ. Điều này cho thấy, các thương hiệu không chỉ cần nắm bắt tốt phương thức tìm kiếm thông tin mới mẻ này, mà còn cần nhanh chóng làm quen với thế hệ kỹ thuật SEO mới để tạo dựng chỗ đứng trong kỷ nguyên AI mới.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Similarweb đã thực hiện một nghiên cứu. Trong đó, tập mẫu là các truy vấn được nhập vào ChatGPT và các công cụ chat AI tương tự, sau đó phân tích các câu trả lời được tạo ra.
Kết quả dữ liệu tiết lộ điều gì?
Các biểu đồ minh họa dưới đây chỉ ra hai khía cạnh của câu hỏi và câu trả lời của GenAI:
- Tỷ lệ câu hỏi nhắc đến thương hiệu trong số các truy vấn về thời trang giá rẻ trên các công cụ chat GenAI
- Tỷ lệ thương hiệu được đề cập trong câu trả lời cho các câu hỏi về thời trang giá rẻ
1. Tần suất các thương hiệu được người dùng đề cập đến trong các câu hỏi trên các công cụ chat GenAI.
Kết quả cho thấy một số thương hiệu nhất định đang chiếm ưu thế trong tâm trí người tiêu dùng khi tìm kiếm thời trang giá rẻ trên các công cụ chat AI. Cụ thể:
- SHEIN dẫn đầu với 37,04% tổng số lượt tìm kiếm trên GPT.
- TEMU theo sát với 31,11%.
- H&M và ASOS lần lượt nắm giữ 12,59% và 9,63%.
- ZARA, Fashion Nova và Cider chiếm tỷ lệ nhỏ hơn, cho thấy ít được người dùng đề cập đến trong truy vấn.
Điều này cho thấy mức độ phổ biến và niềm tin của người tiêu dùng đối với những thương hiệu nêu trên khi tìm kiếm các sản phẩm thời trang giá rẻ. Tuy nhiên, một điều cũng rất đáng chú ý là gần 65% người tiêu dùng không chỉ đích danh thương hiệu cụ thể nào, mà thực sự mong muốn sẽ nhận được một gợi ý nào đó từ các công cụ chatbot.
2. Tỷ lệ đề cập đến các thương hiệu trong câu trả lời của các công cụ chat AI
Vậy khi người dùng yêu cầu công cụ chat AI đề xuất một thương hiệu quần áo giá cả phải chăng, câu trả lời của các chatbot AI này là gì? Biểu đồ thứ hai sẽ cho chúng ta biết điều đó.
Kết quả là:
- H&M thống trị danh sách gợi ý của các công cụ chat AI với 88,89% câu trả lời có nhắc đến thương hiệu này.
- ASOS và ZARA cũng rất nổi bật với tỷ lệ đề cập lần lượt là 48,89% và 45,93%.
- Điều thú vị là SHEIN, dù có tỷ lệ đề cập trong câu hỏi của người dùng ban đầu rất cao, nhưng chỉ xuất hiện trong 9,63% câu trả lời của AI về thời trang giá rẻ.
- TEMU hoàn toàn vắng bóng trong các gợi ý của AI, dù đây là thương hiệu được người dùng nhắc đến nhiều thứ hai trong các truy vấn ban đầu nêu trên.
Sắc thái cảm xúc và Tìm kiếm
Điểm đáng quan tâm cuối cùng, việc một số thương hiệu bị “lãng quên” bởi các công cụ chat AI thực sự là một vấn đề của các công cụ chatbot. Đây không phải là hệ quả từ việc các thương hiệu này nhận được nhiều phản hồi tiêu cực từ người dùng.
Trên thực tế theo biểu đồ trên, mặc dù các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc như SHEIN thường xuyên vấp phải làn sóng phản đối từ dư luận, nhưng phân tích gần đây về các lượt tìm kiếm thương hiệu của SHEIN cho thấy chỉ có 2% trong số đó là các tìm kiếm mang tính tiêu cực (ví dụ: “giá shein tăng”, “khi tôi thêm mặt hàng”, “cách trả lại đơn hàng từ shein” hoặc “shein tệ như thế nào”).
Các insight và lưu ý quan trọng
Sự khác biệt giữa kết quả tìm kiếm và câu trả lời của các công cụ chat AI cho thấy có một khoảng trống lớn cần được lấp đầy. Trong khi người tiêu dùng có xu hướng tìm kiếm các thương hiệu như SHEIN và TEMU nhiều hơn, thì các công cụ chat AI như ChatGPT lại ưu ái đưa ra các gợi ý về H&M, ASOS và ZARA. Điều này cho thấy các thương hiệu cần phải có chiến lược tối ưu hóa tần suất đề cập của mình trong các phản hồi của GenAI.
- Niềm tin và sự gắn bó của người tiêu dùng: Được chatbot AI “nhắc tên” trong các gợi ý sẽ giúp thương hiệu gây dựng niềm tin và tăng cường sự gắn bó với người tiêu dùng. Khi chatbot liên tục gợi ý một số thương hiệu nhất định, người tiêu dùng sẽ dần tin tưởng và coi những thương hiệu này là lựa chọn đáng tin cậy cho nhu cầu của họ.
- Khả năng hiển thị và tỷ lệ chuyển đổi: Khả năng hiển thị cao hơn trong các câu trả lời của GenAI đồng nghĩa với lưu lượng truy cập website và tỷ lệ chuyển đổi cao hơn. Các thương hiệu thống trị danh sách gợi ý của chatbot sẽ có nhiều cơ hội thu hút khách hàng tiềm năng đến với website và biến họ thành khách hàng thân thiết của mình.
- Lợi thế cạnh tranh: Tối ưu hóa cho GenAI là chìa khóa giúp thương hiệu nắm bắt lợi thế cạnh tranh trong thời đại số. Bằng cách đảm bảo rằng thông tin về thương hiệu và sản phẩm dễ dàng được các thuật toán GenAI truy cập và ưu tiên, doanh nghiệp có thể tiếp cận với tệp khách hàng lớn hơn và thống lĩnh thị trường.
3. Chiến lược cho các thương hiệu
Để thu hẹp khoảng cách giữa kết quả tìm kiếm và câu trả lời của chatbot, các thương hiệu cần lưu tâm đến các chiến lược sau:
- Tối ưu hóa nội dung: Đảm bảo nội dung được tối ưu hóa cho các thuật toán GenAI bằng cách sử dụng các từ khóa liên quan, cung cấp thông tin chi tiết về sản phẩm và cập nhật thường xuyên dữ liệu kho hàng. Nói cách khác, bên cạnh việc áp dụng các kỹ thuật SEO truyền thống, các thương hiệu cũng cần chú trọng đến việc tối ưu hóa cho GenAI thông qua việc kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh nội dung sao cho phù hợp với cơ chế hoạt động của công cụ này.
- Hợp tác / Tìm hiểu về các nền tảng AI: Chủ động hợp tác / tìm hiểu với các nền tảng GenAI để hiểu rõ hơn về cách thức hoạt động của các thuật toán cũng như cách chúng ưu tiên phản hồi. Doanh nghiệp có thể lựa chọn hợp tác trực tiếp hoặc tận dụng các phương pháp SEO dành riêng cho AI để nâng cao hiệu quả tương tác với người dùng.
- Phản hồi của khách hàng và khả năng thích ứng: Thường xuyên thu thập và phân tích phản hồi của khách hàng để thay đổi và tinh chỉnh chiến lược. Thấu hiểu mong muốn của khách hàng khi tìm kiếm một thương hiệu nào đó, cũng như kỳ vọng của họ đối với câu trả lời từ chatbot là chìa khóa cho việc xây dựng content phù hợp qua đó đáp ứng nhu cầu của khách hàng một cách hiệu quả.
“Sự xuất hiện của các công cụ GenAI đã làm thay đổi hành vi người tiêu dùng một cách mạnh mẽ, tạo ra nhiều điểm chạm mới cho việc tìm kiếm thương hiệu và ra quyết định. Mặc dù các chiến thuật tối ưu hóa SEO truyền thống — như sáng tạo nội dung, quản trị đánh giá, SEO kỹ thuật — từ lâu đã phát huy hiệu quả tốt, nhưng chúng có thể sẽ không phù hợp để áp dụng đối với các nền tảng GenAI. Sự thay đổi này mang đến cả cơ hội và thách thức cho các thương hiệu. Để thành công trong bối cảnh này, các công ty phải phát triển các chiến lược sáng tạo dành riêng cho GenAI. Đồng thời đảm bảo thông điệp thương hiệu nhất quán trên tất cả các điểm chạm, cả truyền thống và mới nổi. Cách tiếp cận tổng hợp này là rất quan trọng nhằm duy trì tính nhất quán của thương hiệu”
— Baruch Toledano, Phó Tổng Giám Đốc, Giám đốc Giải pháp Digital Marketing của Similarweb
4. Kết luận
Dữ liệu của Similarweb, một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của việc tối ưu hóa cho GenAI với các thương hiệu trong lĩnh vực thời trang giá rẻ nói riêng và với mọi ngành nghề khác nói chung. Khả năng kết nối hiệu quả sự hiện diện của thương hiệu trên các công cụ tìm kiếm và trong các phản hồi của công cụ chat AI sẽ là yếu tố then chốt giúp thương hiệu nâng cao mức độ nhận diện, từ đó thu hút khách hàng, tạo dựng niềm tin và thúc đẩy sự gắn bó của họ.
Mặc dù việc tìm kiếm công thức phù hợp sẽ đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục thử nghiệm và điều chỉnh, nhưng không thể phủ nhận rằng: Trong thời đại công nghệ 4.0, việc chỉ xuất hiện trên internet là chưa đủ. Các thương hiệu cần phải đảm bảo rằng mình không chỉ được tìm thấy trên các công cụ tìm kiếm, mà còn phải được các chatbot AI gợi ý khi người tiêu dùng yêu cầu thông tin.